Phế Đô
Phan_60
Thế là anh nghi nghi hoặc hoặc, trong đêm ấy bị câu thơ ám ảnh, liền nhớ tới những cuộc đi lại với Đường Uyển Nhi trước đây, lại lơ mơ thấy mình đi sang căn nhà ở Song Nhân Phủ định gặp Ngưu Nguyệt Thanh.
Ngưu Nguyệt Thanh đi vắng, mẹ vợ thì đứng ở cổng kéo anh hỏi:
- Sao lâu nay con không sang thăm mẹ? Bố con giận lắm đấy! Mẹ đã nói dối thay con. Mẹ bảo anh đi viết lách, nhưng rút cuộc con bận việc gì, ngay đến ghé qua một lần cũng không có thời gian hay sao? Cô vợ của Chu Mẫn đã về chưa? Mẹ bảo buộc quần áo và giày của cô ta bằng dây thừng tre trong giếng, thì cô ta sẽ trở về, con có làm như thế không?
Trang Chi Điệp hỏi:
- Cô vợ của Chu Mẫn, cô vợ của Chu Mẫn là ai?
Bà già đáp:
- Con quên cô ta rồi à? Hôm qua mẹ gặp cô ấy, cô ấy khóc lóc trong một căn nhà, đi cũng chẳng thể đi, hai chân cong thế này này. Mẹ hỏi sao vậy hả cô? Cô ấy cho mẹ nhìn, ối trời ơi, nửa người phía dưới cô bê bết máu, bên trên khóa một cái khóa sắt to. Mẹ hỏi sao lại khóa ở chỗ này? Cô không đi tiểu à? Cô ấy trả lời không ảnh hưởng đến tiểu tiện, chỉ có điều nước tiểu làm han rỉ khoá, cô ấy không mở được. Mẹ hỏi, thế chìa khoá đâu để ta mở cho. Cô ấy bảo chìa khoá Trang Chi Điệp đang giữ. Tại sao con có chìa khóa mà không mở cho cô ấy?
Trang Chi Điệp hỏi:
- Mẹ ơi, mẹ nói điên gì thế?
Bà già đáp:
- Mẹ nói điên gì ư? Mẹ nhìn thấy Đường Uyển Nhi thật đấy. Con hỏi bố vợ con mà xem, bố vợ con cũng có mặt tại chỗ, mẹ còn đẩy bố con sang một bên và hỏi, ông nhìn cái gì? Chỗ này để ông nhìn hay sao?
Trang Chi Điệp thế là lại bừng tỉnh, mồ hôi trộm đổ túa ra hết trận này đến trận khác, anh không dám ngủ tiếp nữa, pha cà phê uống, mắt mở trừng trừng, ngồi cho đến sáng.
Sau khi trời sáng, Trang Chi Điệp đi tìm Mạnh Vân Phòng. Anh muốn kể những hiện tượng này với Mạnh Vân Phòng, có lẽ Mạnh Vân Phòng sẽ giải thích được. Nhưng Mạnh Vân Phòng đi vắng. Hạ Tiệp đang ở nhà khóc sướt mướt. Hỏi mới biết Mạnh Vân Phòng dẫn con trai Mạnh Tần và cùng với người sư phụ kia của Mạnh Tần đến Tân Cương. Hạ Tiệp nước mắt ngắn nước mắt dài sụt sịt nói với anh, sư phụ của Mạnh Tần đầu tiên bảo Mạnh Tần có tính hiểu biết cao, tương lai trở thành một nhân vật ghê gớm, Mạnh Vân Phòng không tin lắm, sau đó thấy con trai tuy nhỏ nhưng chỉ cho học kinh "Kim Cương", có sáu tháp thì thằng bé đã đọc thuộc làu làu như cháo chảy cũng cảm thấy có lẽ sẽ nổi đình đám, chứ chẳng phải chuyện chơi, cũng có ý định cho con trai tụng kinh đọc thiền, luyện khí công, tu mắt pháp, lại than vãn, tại sao đã già nửa đời người, mà mình chẳng làm nên việc gì, chắc chắn ông trời bắt mình xuống phục dịch hướng dẫn Mạnh Tần, nên đã có ý định theo con đường học vấn. Sư phụ Mạnh Tần muốn dẫn Mạnh Tần đi du lịch ở Tây Cương, lúc đầu anh không định đi, nhưng chủ tịch thành phố gọi anh đến bảo, ông đã xem bài sau khi sửa, tại sao sửa xong lại không bằng chưa sửa là như thế nào? Quả thật Trang Chi Điệp mất khả năng sáng tác rồi ư? Lúc này Mạnh Vân Phòng mới biết dụng ý của Trang Chi Điệp sau khi sửa chữa đã trực tiếp gửi bài cho chủ tịch thành phố, cũng phụ hoạ luôn, nói Trang Chi Điệp hỏng thật rồi, chủ tịch thành phố liền giao cho anh một mình đứng ra viết cũng được. Trở về nhà, Mạnh Vân Phòng luôn mồm kêu khổ, chi qua quýt chép lại bản thảo cũ, rồi gửi cho chủ tịch thành phố và dứt khóat cùng Mạnh Tần đi Tân Cương. Do đó, Hạ Tiệp không đồng ý. Hai người cãi nhau một trận, song Mạnh Vân Phòng cứ đi. Hạ Tiệp kể xong lại nói với Trang Chi Điệp nỗi oan ức của mình trong nhà này, ca cẩm chị và Mạnh Vân Phòng không chung sống với nhau được nữa. Trong cuộc đời Mạnh Vân Phòng, bất cứ lúc nào cũng có một đối tượng sùng bái, sùng bái đi sùng bái lại, đã sùng bái đến con trai mình, một người như vậy thì chung sống làm sao nổi? Trang Chi Điệp nghe xong không nói gì, bước khỏi cửa đi luôn. Hạ Tiệp lại khóc, nhìn thấy Trang Chi Điệp đã bỏ đi, liền đưa cho anh một mẩu giấy, bảo Mạnh Vân Phòng nhờ chị chuyển cho anh. Trong mẩu giấy không viết chữ nào, chỉ có một dòng chữ số Ả rập gồm sáu chữ số. Trang Chi Điệp hỏi đây là châm ngôn gì dành cho tôi vậy, chắc bảo tôi đọc để trừ hoạ tránh nạn chăng? Hạ Tiệp bảo, số điện thoại đấy. Mạnh Vân Phòng chỉ nói với chị, có một người hỏi anh về tình hình gần đây của Trang Chi Điệp, nhưng anh ấy không nói là ai, Mạnh Vân Phòng chỉ dặn đưa cho Trang Chi Điệp, Trang Chi Điệp sẽ hiểu. Trang Chi Điệp cầm mẩu giấy, song không nghĩ ra điện thoại của ai, nếu là người quen, vậy thì họ hoàn toàn không cần thăm dò tình hình gần đây của anh qua Mạnh Vân Phòng làm gì. Trang Chi Điệp chợt giật mình, đút mẩu giấy vào túi áo, cắm cổ đi ra.
Trang Chi Điệp không gặp được Mạnh Vân Phòng trong lòng nghi nghi hoặc hoặc, đi qua chỗ hàng thịt ở dưới gác chuông, liền định mua một mật lợn, nếu về nhà hễ nhắm mắt vào một cái, chưa thấy những hiện tượng quái gở kia, thì liếm mật đắng cho tỉnh ngủ. Nghĩ vậy, anh đã đứng xuống hàng mua thịt trước quầy. Giữa lúc ấy, chủ tịch thành phố đang ngồi xe đi kiểm tra tình hình tiến độ cải tạo thi công hội trường lớn tổ chức lễ khai mạc văn hoá của thành cổ, khi xe con đi qua gác chuông, đã nhìn thấy Trang Chi Điệp đang xuống hàng mua thịt, đầu cạo trọc, râu thì dài, liền bảo lái xe đỗ lại, nhìn qua cửa kính xe. Trang Chi Điệp đã đứng trước quầy bán thịt, người bán hàng hỏi:
- Lấy mấy cân?
Trang Chi Điệp đáp:
- Tôi mua mật lợn.
Người bán hàng hỏi:
- Mua mật lợn ư? Anh điên à? Ở đây bán thịt lợn, đâu có bán mật lợn?
Trang Chi Điệp đáp:
- Thì tôi mua mật lợn mà, chị mới là con điên!
Người bán thịt đập con dao lên bàn thịt, nói:
- Không mua thịt thì tránh sang một bên, nào người tiếp theo.
Người đàng sau chen lên, đẩy Trang Chi Điệp ra khỏi hàng, nói:
- Người này điên rồi, người này điên rồi!
Trang Chi Điệp bị đẩy ra khỏi hàng nhưng vẫn đứng tại chỗ, nét mặt cười gượng gạo. Chủ tịch từ trong xe nhìn ra, thì lái xe hỏi:
- Có xuống gặp anh ấy không ạ?
Chủ tịch thành phố vẫy tay một cái, chiếc xe nổ máy phóng đi. Ông chủ tịch nói:
- Đáng tiếc cho anh chàng Trang Chi Điệp này!
Không có mật lợn, trong đêm ấy Trang Chi Điệp ăn xong mì phở thái, vừa nằm xuống lại mơ hoang hoảng. Anh cảm thấy mình đang viết thư, viết thư cho Cảnh Tuyết Ấm, mà đây là lần thứ tư hay thứ năm gì đó, nội dung anh viết đại thể là mặc dù vụ kiện này, kiện đến đâu đi chăng nữa, thì anh lại càng ngày càng yêu chị ta. Chị ta đã luôn luôn bất hòa với chồng, chồng chị bây giờ lại gẫy chân đã tàn phế, anh hy vọng hai người cắt đứt mà xây dựng với anh để trọn ước nguyện ngày nào. Anh cảm thấy anh gửi thư đi rồi liền ngồi ở nhà chờ chị ta trả lời. Đột nhiên có tiếng gõ cửa, anh cứ tưởng bà chủ quán cơm đưa cơm lên. Cửa mở ra, Cảnh Tuyết Ấm đã bước vào. Họ đứng tại chỗ nhình nhau, không ai nói với ai câu nào, dường như còn có phần xa lạ, còn có phần ngượng nghịu, nhưng họ đã nói chuyện bằng mắt rất nhanh. Cả hai người đều hiểu rõ nguyên nhân tìm đến với nhau, lại đọc được nội dung trong mắt của nhau cùng một lúc hai người sà vào lòng nhau! Thế là họ ra tay chuẩn bị lễ cưới. Trong gian phòng này anh dã nhìn thấy các kiểu tóc của chị: búi ở sau gáy, bện thành một chiếc đuôi sam, bỏ xoã xuống hai vai, đã nhìn thấy một đôi chân mũi giày trắng thò ra dưới rèm cửa, đã nhìn thấy đôi chân ngồi xê bằng trên ghế đệm da, đã nhìn thấy đôi chân giày cao gót từ mặt bên dưới bàn. Anh giục chị ta đi sắm đồ dùng gia đình cao cấp, sắp đặt đồ ở trên giường, anh sẽ đăng tin mừng lễ cưới của hai người trên tất cả các tờ báo và tạp chí, sau đó lại tổ chức lễ cưới ở khách sạn sang trọng hào hoa chờ đến tối sẽ làm xong thủ tục, động phòng vui vẻ nhưng anh không cho khách đến ra về, đầu tiên đóng cửa buồng lại, anh học kiểu của người xưa ở Trung Quốc, cũng học cả kiểu của người hiện đại phương Tây, mời chị ta lên giường, đọc cho chị ta nghe một đoạn trong "Kim Bình Mai", cho chị ta xem băng hình. Mặc quần áo đi ra, cất to giọng anh tuyên bố trịnh trọng với khách khứa dang ngồi trong phòng khách: từ giờ phút này trở đi, tôi và Cảnh Tuyết Ấm xoá bỏ đăng ký kết hôn! Hơn nữa cũng lập tức phát tuyên bố này trên tivi. Các vị khách ai cũng ngạc nhiên, hỏi lại:
- Anh chẳng phải vừa mới kết hôn với Cảnh Tuyết Ấm đó sao? Tại sao lại định ly hôn?
Cuối cùng anh cười ngất:
- Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của tôi rồi.
Hành hạ suốt một đêm như vậy, khi trời tang tảng sáng, Trang Chi Điệp vẫn không rõ chuyện kết hôn rồi ly hôn với Cảnh Tuyết Ấm là một thứ ảo giác hay là từng trải thật, nhưng tư tưởng tình cảm của anh vô cùng thoải mái. Trong buổi sớm ấy anh đã uống hết nửa chai rượu gạo, nói thầm trong bụng:
- Trong thành phố này, những việc cần làm ta đều đã làm, đúng thế, nhưng việc cần làm đều đã làm xong.
Màn đêm buông xuống, Trang Chi Điệp xách một chiếc va li da to đi một mình ra nhà ga. Sau khi xếp hàng mua vé xong, đột nhiên cảm thấy sắp sửa bỏ thành phố này, trong thành phố này chỉ có một người đàn bà của anh. Trên người đàn bà có có một bản thân anh nhỏ xíu. Sắp sửa đi rồi, anh nên chia tay từ biệt với bản thân nhỏ ấy. Anh xách va li quay lại, đi tới trạm điện thoại công cộng. Nhà ga ở ngoài cổng thành bắc, trạm điện thoại vừa vặn ở dưới gốc cây hoè cổ, bên trái nhà cổng thành. Trời tối lắm, xa xa ánh điện rực rỡ, gió thổi ù ù. Trang Chi Điệp đi vào, nhưng phát hiện trong trạm đã bị kẻ nào phá hoại, trong chữ số của máy điện thoại đầy cát là cát, quay không được, ống nghe treo lơ lửng ở đó, giống một con nhện đen to tướng, đang treo trong không gian, hay giống như chiếc giày rách đang treo lơ lửng. Trong mấy việc tốt lớn mà ủy ban nhân dân thành phố làm cho quần chúng trong năm nay thì các trạm điện thoại công cộng trên đường cái này được ghi vào danh sách hàng đầu. Nhưng cái trạm điện thoại mà Trang Chi Điệp nhìn thấy, thì chỉ trong một thời gian ngắn ngủi cứ mười trạm thì có ba bốn trạm bị người ta làm hỏng như thế này. Trang Chi Điệp định chửi một tiếng, nhưng đã há mồm mà không chửi thành tiếng, bản thân cũng co cẳng đá ống nghe một cái thật mạnh, nghe thấy một tiếng kêu rất khoái trá.
Anh quay ra, dưới ánh đèn mờ ảo, đã nhìn thấy trên cây hoè già kia, dán chi chít những tờ quảng cáo nhỏ. Nội dung quảng cáo cái thì truyền đạt võ công phòng thân, cái thì phương thuốc bí mật gia truyền chuyên trị chứng không dẻo dai, cái thì báo cáo mang khí công của đại sư trường phái nào đó đời nào đó, còn có một tờ báo lá cải, trên đó đăng hai mẩu tin "chuyện lạ Tây Kinh", Trang Chi Điệp liếc mắt qua, bất giác xô đến gần đọc một lượt, một mẩu tin viết rằng, có người đàn bà X ở ngõ Y phố Những của thành phố, nhà hàng xóm thấy gia đình chị ta mấy ngày không mở cửa, cứ tưởng xảy ra tai nạn gì, liền phá cửa vào xem, quả nhiên chị ta nằm trên giường, người đã chết cứng. Kiểm tra toàn thân không có vết thương nào, không phải người khác giết, nhưng ở cửa mình lại cắm một cái lõi ngô. Mà ở góc giường vẫn còn một đống lõi ngô.
Còn mẩu chuyện lạ kia thì viết: ở bệnh viện X của thành phố, ngày Y tháng này, đỡ đẻ cho một phụ nữ, có thai sinh ra cái đầu, không có chân tay, da bụng trong suốt, nhìn rõ lục phủ ngũ tạng, cách gọi của đông y. Lục phủ gồm, dạ dày, mật, tam tiêu, bàng quang, đại tràng, tiểu tràng. Ngũ tạng gồm tim, gan, lá lách, phổi, thận. Bác sĩ hoảng quá vứt cái thai vào sọt rác, song người mẹ cởi áo gói lại mang đi. Không hiểu sao Trang Chi Điệp đã xé tờ báo lá cải ấy xuống, vừa bước đi vừa hồi hộp, trong lòng hốt hoảng. Anh móc túi lấy thuốc ra hút, trong gió bụi, quẹt liền ba que diêm đều tắt ngấm. Gió nổi lên mỗi lúc một to, liền nghe thấy một âm thanh rất lạ lùng, quái gở, như ma kêu, như sói gầm. Ngẩng đầu nhìn lên, trên hang cửa bắc có treo vắt ngang một băng khẩu hiệu "Nhiệt liệt chúc mừng ngày tết văn hoa của thành cổ". Phía trên khẩu hiệu có treo một cái trống to bịt da bò. Trang Chi Điệp nhận ra ngay đó là cái trống làm bằng tấm da bò già kia. Trong gió thổi, trống tự kêu ùng ùng u u.
Trang Chi Điệp quay người di vào trong phòng đợi, lại gặp Chu Mẫn đang đi đến. Hai người đứng sững sờ. Trang Chi Điệp hỏi một tiếng:
- Chu Mẫn, cậu có khoẻ không?
Chu Mẫn chỉ đáp một chữ:
- Điệp. Không, gọi là thầy Điệp…Xin chào!
Trang Chi Điệp hỏi:
- Cậu cũng đến đi tàu hoả ư? Cậu định đi đâu vậy?
Chu Mẫn đáp:
- Tôi phải đi khỏi thành phố này, đi xuống phương nam. Thế anh đi đâu?
Trang Chi Điệp đáp:
- Chúng mình lại có thể đi cùng một lối.
Hai người đột nhiên cùng cười. Chu Mẫn liền giúp Trang Chi Điệp vác chiếc va li da, bảo Trang Chi Điệp ngồi trên một chiếc ghế dài, rồi bảo đi mua mấy lon nước uống, liền chen vào gian hàng ở sảnh lớn. Khi Chu Mẫn quay lại thì Trang Chi Điệp đang nằm trên chiếc ghế dài, trên mặt che nửa tờ báo lá cải. Chu Mẫn bảo:
- Anh uống một lon nhé!
Trang Chi Điệp không động đậy. Chu Mẫn mở nửa tờ báo kia ra, thì hai tay Trang Chi Điệp đang ôm cái ba lô con con có đựng cái huyên gốm của Chu Mẫn, nhưng hai mắt trợn trắng dã, cái mồm nghẹo sang một bên. Ở ngoài phòng đợi, ông già kéo cái xe cải tiến bánh sắt lọc cọc, đang đứng dưới một con gấu mèo to tướng được ghép bằng một ngàn chậu hoa, rao to:
- Đồng nát…nào! Đồng nát nào! Ai bán đồng nát nào?
Chu Mẫn đập thình thình vào tấm kính cửa sổ trong phòng đợi. Tấm kính đã bị vỡ, tay anh ta bị mảnh kính găm vào chảy máu, máu đang chảy xuống ngoằn ngoèo như một con giun ven theo tấm kính vỡ, từ trong má. Chu Mẫn nhìn thấy ông già thu mua đồ nát không nghe thấy tiếng hét gọi của anh, nhưng có một người đàn bà xương xương áp sát má vào tấm kính có máu, cặp môi mỏng đang mấp máy. Chu Mẫn đã nhận ra chị ấy là vợ Uông Hy Miên.
Viết xong bản thảo buổi sáng 2 tháng 10 năm 1992
Sửa và chép lại xong tối ngày 20 tháng 01 năm 1993
Sửa lại xong chiều ngày 21 tháng 02 năm 1993
-- Hết --
Lời cuối sách
(Giả Bình Ao)
Thấm thoát, tôi ở thành phố đã hai mươi năm, nhưng vẫn chưa viết một cuốn truyện nào về thành phố. Càng áy náy, tôi càng không dám viết lấy được, thậm chí ngay đến truyện Thương Châu cũng lười viết. Theo hiểu biết của tôi năm bốn mươi tuổi, văn chương là chuyện thiên cổ…văn chương đâu phải là việc ai muốn viết thế nào thì viết…Nó là một câu chuyện, thuộc trời đất đã có từ lâu, chỉ có điều mình có duyên số được hay không. Chưa vội lấy chuyện nước ngoài làm ví dụ, hãy nói tới "Tây Sương Ký", "Hồng Lâu Mộng", cái đạt khi đọc nói đâu có cảm thấy nó là sự bịa đặt của nhà văn? Lơ mơ như đã trải qua, như trong cõi mộng. Văn chương hay, hoàn chỉnh như một dãy núi, núi không cần phải đẽo gọt cũng chẳng phải khéo léo trồng ở chỗ này một cây bạch hoa, đặt ở chỗ kia một khóm phong lan. Sự hiểu biết này khiến tôi lâm vào cảnh khó xử, tôi coi thường tác phẩm trước kia của mình, tôi cũng mất hết sự kính nể đối với nhiều tác phẩm trên đời, tuy tôi biết rõ loại văn chương này xét cho cùng cũng do con người cầm bút viết ra, nhưng tại sao dưới gầm trời có loại văn chương này, mà tôi lại không thể viết được? Kiểm điểm lại thì trước đây mình ngưỡng mộ nào là văn chương rực rỡ, tình cảm dạt dào, phong cách độc đáo, thật ra lại chính là cản trở sự phát triển của nhân tài. Ma quỷ hung ác, thượng đế cứ im đi. Kỳ tài là tuyết mùa đông sấm chớp mùa hè, đại tài là bốn mùa chuyển đổi. Tôi đã là người bốn mươi tuổi, đến cái tuổi một ngày không cạo mặt là khuôn mặt hoàn toàn khác lạ, không thể nói đầu óc chưa chín chắn nhuần nhuyễn, dòng văn không trôi chảy, cho dù hòn đá thì hòn đá cũng phải mọc một lớp rêu. Tôi đã bỏ đi dịp quan sát phát tài ăn uống chơi bời cờ bạc mà một người thường được hưởng, vậy thì gãi để hói cả tóc, hao tổn cả thân thể vẫn chưa ra áng văn hay quả thật tôi không có duyên số hay sao?
Tôi thấy buồn sâu sắc cho mình. Nỗi buồn này lại không có ai để nói. Cho nên, bước ra khỏi cửa thường có người sau khi biết tôi là ai muốn nói cung kính thì mặt tôi nóng như hòn than. Khi ra hiệu sách hễ nhìn thấy sách của mình ở đó là vội tránh xa. Tôi càng như thế, người ta càng bảo tôi khiêm tốn. Tôi khiêm tốn cái nỗi gì? Quả thật cảm thân mình chơi trò hư danh, mà hư danh này khiến tôi khổ sở khó nói.
Làm một người trong đời sống hiện thực, có tư tưởng này, tôi biết là một dấu hiệu chẳng lành. Sự thực cũng đúng như vậy. Trong những năm này, tai nạn cứ theo nhau ập đến, đầu tiên tôi bị viêm gan B. dai dẳng sống hơn một năm trong bệnh viện như nhà giam trá hình, tập trung các mũi tiêm lại, thì có thể nói đã trải qua một vạn mũi tên đâm vào người, uống thuốc nam hết gói to đến gói nhỏ, số cây thuốc này đủ nuôi sống một con trâu. Sau đó mẹ nhiễm bệnh phải mổ, sau nữa bố mắc bệnh ung thư qua đời, rồi em rể bị chết, cô em gái đáng thương dắt con nhỏ về nhà mẹ đẻ, tiếp theo là vụ kiện cuốn níu bản thân kéo dài lê thê. Tiếp theo nữa là vì người khác mà bị cuốn vào chuyện lôi thôi rắc rối của đơn vị, chịu mọi nỗi oan nhục cho đến khi lại rơi vào một cảnh khốn quẫn đáng sợ hơn, lời đơm đặt tới tấp dội xuống đầu. Tôi không có con trai sau khi bố mất, tôi đã từng nói, tôi trước không có người xưa, sau không có kẻ nối dõi. Bây giờ kẻ nên đi thì chưa đi, người không nên đi thì đã đi cả, mọi thứ đóng dựng trong mấy chục năm phấn đấu đã đổ vỡ liểng xiểng cả, chỉ còn lại cái thân tôi bị nhiễm siêu vi trùng cả phần xác lẫn phần hồn và ba chữ họ tên mà họ tên thì lại thường bị người ta réo người ta viết, người ta dùng và người ta chửi.
Giữa lúc ấy tôi bắt đầu viết quyển sách này.
Phải biết thành phố ấy trong quyển sách này song trong cái thành phố ấy lại không có một cái bàn để tôi viết quyển sách này.
Trong thời tiết oi bức nhất của năm 1992, nhờ có mối quan hệ với người bạn là An Lê, tôi đã trốn khỏi thành phố đến huyện Diệu. Huyện Diệu là quê hương của vua thuốc Tôn Tư Mạc. Tôi rất vui nhìn thấy một bức tượng màu "toạ hổ châm long". Trong hang vua thuốc trên núi, vua thuốc nguyên ý đi tượng màu kể lại ngày xưa vua thuốc đã từng cứu chữa khỏi bệnh cho một con rồng bị ốm. Tôi liền nhận định bệnh của tôi sắp khỏi bởi vì tôi cầm tinh con rồng. Sau đó tôi cùng với anh Cảnh viết kịch được bố trí ở trạm quản lý đập nước. Đây là nơi rất tốt lành. Khỏi cần nói tôi mệnh thuỷ, xưa nay thì lại liên quan đến văn học, mà con mương đó gọi đông Cẩm Dương rất huy hoàng sán lạn. Dập nữ tên địa phương gọi là Dốc Đào Khúc. Khúc có hai nghĩa văn chương. Những điều tôi viết lại phần lớn chuyện đàn bà, thì điều này sẽ càng hay. Ở đó thôn xóm, hiếm gà vắng chói cây xanh rợp bóng, hoa nở giăng giăng, mười mấy nhân viên quản lý đối xử với chúng tôi lại tôn kính mà không thể gần, quả thật là nơi yên tĩnh hiếm có. Trong suốt một tháng không có đài để nghe, không có báo để xem, không có mạt chược, chẳng có tú lơ khơ, mỗi buổi sáng sớm ra rừng cây, tương ra một luồng nước giải vàng óng, xuyên qua thân cây, nhìn thấy sương sớm bay lên trên mặt đập nước xa xa, cho tới khi sóng nước trong vắt óng a óng ánh màu đồng màu bạc, sau đó trở về đánh răng rửa mặt, xuống nhà bếp xách nước sôi và khua đũa bát đi ăn cơm, mùa hè ruồi nhiều vô kể, cơm vừa xới vào bát, ruồi cũng đã bám ở rìa, sau đó nghe nói đấy là một loại ruồi cơm từ đó cứ mặc kệ nó, ăn xong bữa cơm đầu tiên, anh nào anh nấy về phòng mình ngồi viết, quy ước với nhau không ai được quấy rầy ai, thế là cứ ngồi lì cho đến bốn giờ chiều, ngoài đi đại tiểu tiện, không bao giờ ra khỏi cửa. Khi tôi ngồi viết thích đóng cửa chính cửa sổ, rèm cửa sổ cũng phải kéo kín mít, nếu là một cái hang ngầm thì càng tốt. Thuốc hút liền tù tì, hết điếu này đến điếu khác. Mỗi khi anh Cảnh ở ngoài gọi đi ăn cơm, đẩy cửa gọi thẳng vào, khói trùm cả người anh! Lại ăn xong bữa cơm thứ hai, nên thư giãn một lúc trong ngày, kéo lê đôi dép ra đập nước bơi lội. Mặt trời lúc sáu giờ còn rát rát, chung quanh không một bóng người, tuy dũng cảm cởi trần truồng như nhộng, song chỉ biết kiểu chó bơi, chỉ có thể chân đập loạn xạ ở chỗ nước nông, đập tới mức bùn tanh đùn cả lên. Trong đám cỏ rậm trên bờ có tiếng đùa khà khà, thì ra đã có người ở đó từ bao giờ nhìn trộm. Bọn họ bảo, hơn mươi năm nay, năm nào cũng có ba người chết đuối, năm nay mới chết một người vẫn còn hai chỉ tiêu. Chúng tôi liền sởn tóc gáy, hối hả bò lên bờ mặc quần áo chuồn vội. Không bao giờ còn dám nghịch nước nữa, thời gian sau khi ăn cơm liền vác chiếc sào tre dài lê thê đi đập táo chau vách đá. Khi quả táo chua đầu tiên chín đỏ, chúng tôi đã đập cho nó rơi xuống, những quả táo chua đo đỏ trái cây duy nhất mà chúng tôi được ăn. Sau đó xa lắm, giữ lại được rất nhiều, cứ chờ một cô gái ở đàng sau lưng núi đến ăn. Cô gái đó là bạn học của An Lê, xinh đẹp mà tính cách cũng cởi mở, được An Lê nhờ cô thường đến thăm chúng tôi, cho nào bút, nào mực nào thuốc viên, thỉnh thoảng còn đem đến cái bánh nướng. Đêm đến, đêm ở đây rất tối như mực, quả tình giơ tay ra không nhìn thấy năm ngón, chúng tôi đọc cho nhau nghe những chương đã viết, đọc mãi đọc mãi, chúng tôi thường đói bụng, nhưng chẳng có thứ gì ăn. Chúng tôi đã từng bày mưu đi ăn trộm bí đỏ và khoai tây của nông dân ở bản gần đó, nhưng cuối cùng sợ chó chẳng ai dám đi. Ở cạnh ngã ba trước trạm quản lý có một cây đào hạt mãi tít trên ngọn đào có một quả đào xanh. Tôi đến bảo anh Cảnh, anh Cảnh nói đã nhìn thấy từ lâu . Lúc hoàng hôn, chúng tôi ra đó ném đá cho rụng xuống, nhưng ném mãi không trúng, nghỉ một lúc, rồi nhặt một đống tướng ngói vỡ và gạch đá, ném cho bằng hết mà quả đào vần trơ trơ không di chuyển, ngược lại cổ mỏi cánh tay đau, đành phải vừa quay về vừa ngoái cổ nhìn lại. Đêm ấy đã mười một giờ khuya, anh Cảnh thèm ăn không chịu nổi, bảo có loại ấu trùng anh biết có thể rán mỡ ăn được, đồng thời vác mặt đi mượn nào bếp điện, nào xoong con, mỡ muối, cứ làm như chìa tya ra là bắt được, một bữa thơm ngon sắp sửa đến mồm. Anh dẫn chúng tôi vào rừng cây bật đèn pin soi hết cây này đến cây kia. Trên thân cây có xác ve sầu, song không thấy có một con sâu non nào. Vậy là vì kiếm ăn mà đi trong quá trình kiếm ăn, lại tìm được niềm vui khác. Mỗi buổi tối từ đó về sau, việc này đã trở thành công tác của chúng tôi. Không hiểu sao, vẫn không bắt được con ấu trùng nào song đã bắt được khá nhiều đom đóm. Đom đóm ở đây bay như sao, chỗ nào cũng lập là lập loè và nhễu lắm. Chúng tôi đi qua đường mòn trong rừng cây ngỡ mình đang ở sông Ngân.
Anh Cảnh có nước da trắng trẻo, tôi gọi anh là Đường Tăng, quả nhiên có một đêm một con rết chui vào chăn cắn anh. Việc này khiến bọn tôi ngay ngáy, trước khi đi ngủ, anh nào cũng kiểm tra bốn chung quanh tường nhà, giũ chăn nệm, không bao giờ còn thấy rết, song thiêu thân và muỗi dại tối nào cũng đổ dồn ở ngoài cửa sổ, bám từng đám đen xì, lấy thuốc khử muỗi ra xịt, xác chúng hót một mẹt. Chúng tôi nhận xét đó là điều xấu. Tôi bắt đầu mài một hòn đá nhặt được ở Hương sơn, đá này đặc biệt lắm, ở phía trên hình thành một chữ "đại" một cách tự nhiên, kết cấu thân đá lạ, giống thân hình Liễu Công Quyền. Tôi đục đẽo đá có chữ "đại" thành hình đầu người đeo ở cổ, cái bùa hộ mệnh của mình. Cái bùa ấy luôn đeo cho đến khi tôi viết xong quyển sách này. Anh Cảnh thì nhặt được ở rừng cây một xác khô của con rắn bảy tấc. Xác rắn này cong vênh đến là đẹp, anh treo lên tường vôi, trông y hệt một thiếu nữ xinh đẹp đang chăm chú nhìn. Ngày nào tôi cũng sang phòng anh xem người đẹp rắn một lần, đầu óc nghĩ quẩn. Nhưng anh tặng tôi, tôi không dám lấy.
Tôi vĩnh viễn không quên được địa danh: đập nước Dốc Đào Khúc, sông Cẩm Dương ở huyện Diệu. Ở đây tròn một tháng, người gầy rộc hẳn đi, song đã hoàn thành bản thảo ba mươi vạn chữ. Khi mới đến, ở trước cửa căn phòng nở một bông hoa đại lý đỏ rực, bây giờ nó đã khô héo. Tôi hái một cánh hoa kẹp vào bản thảo đi xuống núi. Lúc đến huyện Diệu, tôi ngồi ở cửa một quán phở thở một hơi rõ dài, bảo "Hãy ăn một bữa mì sợi thật đã" liền ăn liền hai bát ôtô, mồm còn thòm thèm mà bụng căng cứng không đứng dậy nổi.
Trở về Tây An, tôi nhận tham gia đợt hoạt động trỉên lãm sách nhân ngày lễ văn hoá nghệ thuật của thành phố cổ. Trong hội chợ có quầy sách dành riêng cho tôi, những bạn đọc cuồng nhiệt ôm từng chồng từng chồng sách đến xin tôi chữ ký, trật tự bị rối tung, dòng người xô đẩy, tôi bị vây chặt ở giữa, dường như bị chen nát vụn. Sau mấy tiếng đồng hồ, may có mười anh cảnh sát dùng gậy chỉ huy tạo thành một vòng tròn, hộ tống tôi chui vào một chiếc xe đậu ở cổng chính vội vã phóng đi. Nhớ lại chuyện ấy hết sức buồn cười. Sau đó có một bạn bảo tôi, khi anh đạp xe đi qua cổng chính hội chợ sách, đã vừa vặn nhìn thấy cảnh sát dong tôi ra, anh giật mình tưởng tôi phạm tội gì. Lúc đó quả tình tôi có tâm lý phạm tội. Tuy tôi không thể nói với các bạn mặt tôi không hề có nụ cười. Rời khỏi nơi ồn ào người ta xô đẩy, một mình trở về, ngồi cô độc trên ghế sa lông, tôi đã nghẹn ngào nước mắt. Ai cũng có nỗi khổ của mình, tôi còn khổ hơn người khác.Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian